Sinh thái học các loài mối ở khu vực nghiên cứu

Một số đặc điểm sinh học, sinh thái học các loài mối ở khu vực nghiên cứu. 

1. Loài Coptotermes ceylonicus Homlgren, 1911 Sinh học, sinh thái học:

Coptotermes ceylonicus Holmgre thường làm tổ trong đất hoặc bên trong các cấu kiện gỗ. Thường gặp ở độ sâu 0,25m đến 1m trong đất nền các công trình di tích. Tổ có dạng hình cầu hoặc hình dạng thay đổi tùy theo khe rỗng nơi mối làm tổ. Ở nơi làm tổ chính hoặc tổ phụ của C.ceylonicus thường có nhiều đường mui; mối lính, mối thợ thường di chuyển trong các đường mui kín này.

>> Phân bố của mối ở khu vực nghiên cứu

>> Khu di tích Phu Văn Lâu ở Huế đổ sụp do mối mọt phá hoại

Tại Hội An, mối cánh C.ceylonicus Holmgre bay giao hoan phân đàn từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm nhưng phổ biến nhất từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6. Thời gian bay từ 17h30 phút đến 20h trong ngày.

Loài mối này gây tác hại nhiều đến gỗ trong công trình Di tích. Bên cạnh đó chúng còn tấn công rễ một số loại cây sống. 

Lúc mối bay giao hoan điều kiện nhiệt độ thường từ 28 – 290C, độ ẩm từ 95 – 100%.

2. Loài Coptotermes emersoni Ahmad, 1953

Sinh học, sinh thái học:

Về hình thái và cấu trúc tổ của loài này rất giống loài Coptotermes formosanus. Loài Coptotermes emersoni thường làm tổ trong đất hoặc bên trong các cấu kiện gỗ. Tổ thường có chiều sâu từ 0,25 – 1m trong đất nền công trình kiến trúc. Tổ có dạng hình cầu hoặc hình dạng thay đổi tuỳ theo khe rỗng nơi mối làm tổ. Ở khu vực tổ chính hay tổ phụ của loài Coptotermes emersoni thường có nhiều đường mui; mối lính, mối thợ thường di chuyển trong các đường mui kín này. Ngoài ra mối cũng đắp đường mui trên cây sống để ăn những bộ phận gỗ đã bị mục.

Nói chung, loài này có nhiều đặc điểm giống với loài Coptotermes formosanus. Mối cánh của loài Coptotermes emersoni bay giao hoan phân đàn từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm nhưng phổ biến nhất từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5. Thời gian bay từ 17h30’ đến 20h trong ngày. Hoạt động bay giao hoan và tìm  kiếm nơi xây dựng tổ cũng giống như loài Coptotermes formosanus.

3. Loài Coptotermes  havilandi Homlgren, 1991 Sinh học, sinh thái học:

Coptotermes havilandi Homlgren thường làm tổ ven các chân tường trong các nền nhà hoặc trong các cấu kiện gỗ của công trình. Mối cánh bay giao hoan phân đàn từ cuối tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Thời điểm bay trong ngày từ 16 - 19h30ph, khi trời oi bức, có cơn mưa hoặc trời mưa là lúc mối cánh thường bay ra. Sau khi rụng cánh được 3 – 4 ngày mối cánh bắt đầu đẻ trứng. Thời gian từ lúc đẻ trứng đến lúc trứng nở từ 25 – 34 ngày. Mối non sau hơn ba tháng có thể phân biệt được đẳng cấp giữa mối lính và mối thợ.

Tổ mối C. havilandi là một khối xốp rỗng màu nâu đen hoặc xám tro. Thành phần chủ yếu của khối xốp này là bột gỗ, đất, cát được trộn lẫn với nước bọt của mối. Tổ mối ở trong nền đất thường có dạng hình cầu. Tổ là khối xốp được sắp xếp thành nhiều lớp xít nhau, khối bên ngoài rỗng hơn khối bên trong.

4. Loài Coptotermes  formosanus  Wasmann, 1896 Sinh hoc, sinh thái học:

Mối cánh của loài này thường bay giao hoan phân đàn vào lúc từ 17h30 – 18h trong ngày, đôi khi có thể thấy chúng bay vào lúc 21h. Mỗi tổ mối có thể sản sinh ra hàng vạn cá thể mối cánh trong một năm. Một tổ mối có thể có nhiều đợt bay giao hoan phân đàn. Hàng năm mối cánh Coptotermes formosanus thường bay giao hoan từ tháng 4 đến tháng 7. Sau khi bay giao hoan, mối cánh cặp đôi rồi dẫn nhau đi tìm nơi làm tổ. Sau 2 – 3 ngày chúng bắt đầu đẻ trứng. Sau khoảng 28 ngày trong tổ bắt đầu có con non, khoảng 90 ngày sau chúng bắt đầu đi kiếm ăn.

5. Loài Coptotermes  travian Haviland, 1898 Sinh hoc, sinh thái học:

Cấu trúc tổ cũng là khối xốp màu nâu hoặc nâu đen như các loài thuộc giống Coptotermes khác. Tổ thường làm trong thân cây gỗ, một số ít thì làm tổ trong ụ đất. Đường mui thường là đường liên tục trên bề mặt thân cây, dưới lớp vỏ cây. Từ các tổ trong cây ở gần công trình kiến trúc chúng hay tấn công các cấu kiện gỗ trong công trình.

Coptotermes travian thường ăn hết phần gỗ chết của các cây sống, gỗ khúc ở kho bãi và đục rỗng ruột các cây cổ thụ. Nó cũng gây hại công trình kiến trúc nhưng không phổ biến bằng các loài khác. Mối cánh bay giao hoan từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

6. Loài  Cryptotermes domesticus Haviland, 1898 Sinh học, sinh thái học:

Loài này thường chỉ tấn công các loại gỗ mềm. Ban đầu chúng tấn công phần bên ngoài, sau tấn công vào phần gỗ bên trong. Nhiều nơi khảo sát chúng tôi thấy những thanh xà gỗ có kích thước 400 x 300mm đã bị loài này ăn rỗng gần như hoàn toàn. Loài này không làm tổ trong các loại gỗ tương đối cứng như dổi, chò chỉ… Gỗ giác của các loại gỗ cứng như lim hay gỗ xoan ngâm đã sử dụng lâu năm cũng bị loài này tấn công.

những hạt phân hình hạt cải cứng do chúng luôn đùn ra ngoài. Ở nơi có đống phân của loài mối này, chắc chắn bên trên sẽ có tổ mối ở trong gỗ. Khi hết thức ăn chúng bỏ đi cũng là khi gỗ đã bị ăn rỗng, nếu dùng tay bóp nhẹ có thể bóc lớp gỗ mỏng lộ lõi gỗ bên trong. Nhẹ thì chúng làm mất mĩ quan công trình, nặng thì chúng làm mất khả năng chịu lực của cấu kiện gỗ mềm.

Mối cánh của loài này bay giao hoan phân đàn vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Thời gian bay giao hoan thường vào lúc chiều tối, khoảng 17h. Những ngày trời âm u, mối cánh có thể bay sớm hơn. Sau khi kết đôi khoảng 7 – 10 ngày, mối cái bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu mối chỉ đẻ 5 – 20 trứng. Một đàn mối chỉ có khoảng 100 cá thể. Tuy số lượng cá thể của 1 đàn nhỏ nhưng trong một cấu kiện gỗ có thể có nhiều đàn mối nên tác hại của chúng đối với gỗ cũng đáng kể.

7. Loài Microtermes  pakistanicus Ahmad

Sinh học, sinh thái học

Tổ của các loài thuộc giống mối Microtermes này thường làm chìm trong đất. Tổ có cấu trúc nhiều khoang phân tán, đường kính khoang tổ chỉ vài cm đến 10cm. Vườn nấm có màu trắng đến xám đen, kích thước vườn nấm và lỗ vườn nấm nhỏ. Hoàng cung là khe hẹp trong đất, khoang bên trong cũng có dạng thấu kính, trong một hoàng cung có 1 hoặc nhiều chúa. Trong diện tích 1m2  có thể có 4 hoàng cung đều có vua chúa, đây có thể là 4 tổ khác nhau.

Thức ăn của loài mối này có thể là lá cây, phân súc vật, cấu kiện gỗ, lớp biểu bì chết trên thân cây.