Phân bố của mối ở khu vực nghiên cứu

Kết quả điều tra, thu mẫu, thành phần loài và phân bố của mối ở khu vực nghiên cứu.

1. Thành phần loài mối chung

Kết quả trình bày trong bảng 3.1 cho thấy, có 9 loài thuộc 3 giống và 3 họ được tìm thấy trong quá trình điều tra, trong đó có 7 loài đã định được tên và 2 loài chưa định được tên. Họ Kalotermitidae có một giống là Cryptotermes, họ Rhinotermitidae có một giống là Coptotermes và họ Termitidae có một giống là Microtermes.

>> Phương pháp nghiên cứu mối theo địa hình năm 2015

>> Tình hình nghiên cứu về mối ở Việt Nam năm 2015

Khi tính toán tỷ lệ % số lượng mẫu thu được của các giống, chúng tôi thu được kết quả thể hiện sự sai khác đáng kể. Trong tổng số 157 mẫu thu được, số mẫu của các loài thuộc giống Coptotermes chiếm tỷ lệ cao nhất (84,1% tổng số mẫu), các giống Cryptoterme và Microtermes chiếm tỷ lệ lần lượt là 13,4% và 2,5% tổng số mẫu.

Trong số các giống thu được, giống Coptotermes có số loài nhiều nhất (6 loài, chiếm 66,7% tổng số loài), tiếp đến là giống Cryptotermes (2 loài, chiếm 22,2%), Microtermes (1 loài, chiếm 11,1%). Như vậy ở bậc phân loại giống trong khu vực điều tra, ưu thế thuộc về một giống Coptotermes.

Tính toán tỷ lệ % số mẫu thu được của từng loài trong khu vực nghiên cứu, chúng tôi thấy loài Coptotermes formosanus bắt gặp nhiều nhất với số mẫu thu được  là 49/157 mẫu, tương ứng với 31,2% tổng số mẫu), tiếp đến là loài Coptotermes haviland (28 mẫu, chiếm  17,8%); Coptotermes ceylonicus (25 mẫu, chiếm 16%). Các loài còn lại chiếm tỷ lệ ít hơn, dao động trong khoảng từ 2,5 đến 9 % tổng số mẫu.

2. Thành phần loài mối trên các sinh cảnh khác nhau

Từ kết quả của bảng 3.2 cho thấy trên các sinh cảnh khác nhau thì thành phần loài mối cũng khác nhau. Trên cây trồng có 4 loài mối gây hại thuộc hai giống Coptotermes và Microtermes, trên công trình kiến trúc có 8 loài mối gây hại thuộc hai giống Coptotermes và Cryptotermes. Có 3 loài mối có mặt ở cả hai sinh cảnh là: Coptotermes ceylonicus;

Coptotermes havilandi ;  Coptotermes formosanus. Có 1 loài chỉ gặp ở cây trồng là Microtermes pakistanicus và có 5 loài chỉ gặp ở công trình kiến trúc là Cryptotermes domesticus; Cryptotermes sp; Coptotermes emersoni; Coptotermes travian; Coptotermes sp.

Loài có tỷ lệ bắt gặp cao nhất ở cả hai sinh cảnh đều là Coptotermes formosanus.

Sự có mặt của các loài mối ở các sinh cảnh khác nhau có thể xem là do đặc tính thích nghi sinh thái của loài và tác động của điều kiện ngoại cảnh, trong đó có hoạt động của con người. Trong nhiều trường hợp, hoạt động của con người đã làm cho điều kiện thích nghi của loài trở nên thuận lợi. Ví dụ việc trồng cây quanh đường phố và quanh các công trình kiến trúc như nhà ở, khu di tích ở Hội An đã tạo điều kiện cho khả năng tồn tại và phát triển của một số loài mối thuộc giống Coptotermes.

Chúng có thể làm tổ trong thân cây và đi vào phá hại công trình kiến trúc và ngược lại mối từ các tổ trong công trình kiến trúc cũng có thể đi ra kiếm ăn và gây hại cho cây. Đây là điều cần lưu ý đối với công tác phòng trừ các loài mối phổ biến ở nhiều sinh cảnh khác nhau.